Sáng ngày 8/11, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khởi động dự án "Xây dựng mô hình xử lý môi trường các lò giết mổ và sản xuất diesel sinh học từ mỡ phế thải”. Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường, công nghệ sinh học; giáo sư, nhà nghiên cứu đến từ 1 số trường đại học của Nhật Bản và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó giám đốc Sở TN&MT HN Lê Thanh Nam cho biết hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 988 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, bao gồm các khu giết mổ tập trung và chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ phân bổ tại các khu dân cư, dẫn tới khó khăn trong công tác kiểm soát xử lý ô nhiễm, gây thách thức không nhỏ trong công tác bảo vệ môi trường. Trong đó có 125 cơ sở được kiểm soát. Tổng lượng thịt gia súc gia cẩm hàng ngày cung cấp từ các sở sở được kiểm soát đạt khoảng trên 400 tấn/ngày, đáp ứng khoảng 59% nhu cầu tiêu thụ thịt của toàn Thành phố.
Phó giám đốc Sở TM&MT HN Lê Thanh Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Nhiều bất cập trong thu gom, xử lý chất thải tại lò giết mổ tư nhân
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình cứ 1000 kg thịt thì có 280kg đến 300kg chất thải thải ra môi trường. Chất thải tại các lò mổ trộn lẫn với rascthair sinh hoạt dẫn đến khó khăn trong việc thu gom xử lý chất thải lò mổ. Mỡ bẩn từ các lò mổ tư nhân được các tiểu thương thu gom và bán cho các xưởng chế biến mở bẩn sau đó thành sản phẩm và bán ra thị trường; Một số mỡ bẩn khu ngoại đô được chở đến nội đô tiêu thụ cho các nhà hàng quán ăn. Thực tế hiện này, mỡ bẩn và các chất thải từ các lò giết mổ gia xúc, gia cầm tràn lan ngoài thị trường, đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, cần được kiểm soát, có biện pháp xử lý kịp thời.
Đại diện Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phát biểu
Nhiều giải pháp, sáng kiến thiết thực tại hội thảo
Tại hội thảo, Ông Toshiyuki Yamazaki - Đại diện Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng đây là dự án thiết thực và có ý nghĩa, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường của thành phố Hà Nội, mặt khác, khi dự án được triển khai, sẽ tạo ra được một lượng lớn diesel sinh học làm nguyên liệu phục vụ cho các phương giao thông, đặc biệt là hệ thống xe bus của Thành phố.
Phát biểu tham luận tại Hội thảo,Giáo sư Trần Quốc Bình – Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Trường Đại học KHTN, ĐHQGHN khẳng định, với kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ sinh học, là một trong những trường đại học hàng đầu của Việt Nam về nghiên cứu khoa học cơ bản. Trường đại học KHTN sẵn sàng phối hợp cùng với các đơn vị, chuyên gia của Nhật Bản và Hà Nội nghiên cứu, tham gia dự án nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Giáo sư Yasuaki Maeda – Đại diện Trường Đại học Vùng Osaka, Nhật Bản cho biết, sản phẩm diesel sinh học từ mỡ phế thải động vật đã được sử dụng cho các tàu du lịch tại Hạ Long (Quảng Ninh) cho đến nay vẫn rất tốt và không có vấn đề gì xảy ra. Ông mong muốn dự án này được triển khai tại Hà Nội sẽ tạo ra lượng diesel phục vụ hoạt động cho hệ thống các xe bus của Thành phố, góp phần tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Quang cảnh Hội thảo
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó giám đốc Sở Lê Thanh Nam khẳng định, những kiến thức, kinh nghiệm được truyền đạt tại buổi Hội thảo này sẽ là bước khởi động quan trọng để Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp các chuyên gia, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực môi trường, công nghệ sinh học tiếp tục nghiên cứu, triển khai Dự án, đưa các công nghệ xử lý môi trường, sản xuất nhiên liệu sinh học hiện đại vào thực tiễn, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường của Thành phố Hà Nội, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam – Nhật Bản.
Mong muốn Đại học Osaka Nhật Bản, Đại học quốc gia Hà Nội và các cơ quan, tổ chức quốc tế của Nhật Bản tiếp tục phối hợp với Hà Nội, hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm và kinh phí để triển khai thực hiện Dự án trong thời gian sớm nhất./.
Nguồn: Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội